<bgsound src="/Nhac Dieu Buon Phuong Nam.mp3"/> Le Dinh








Ký Thiệt



































Người phụ nữ Việt Nam‏
và “Giải phóng”



Ký Thiệt



Trong dịp lễ “Ngày của Mẹ” vừa qua có nhiều bài viết về Mẹ được phổ biến trên mạng điện tử để ca ngợi Mẹ. Văn có, thơ có, nhạc có, họa có. Hình ảnh người mẹ thật đẹp. Nhưng cũng có vài bài viết về những bà mẹ Việt Nam với thật nhiều khổ đau từ giữa Thế kỷ 20 cho đến ngày nay mà thủ phạm gây ra những khổ đau này là những kẻ mang danh “Giải phóng”.

Có lẽ không ai và không đâu nói nhiều tới “giải phóng”, đặc biệt là “giải phóng phụ nữ”, cho bằng cộng sản tại Việt Nam. Sau ngày 30.4.1975, CSVN tuyên bố đã giải phóng người phụ nữ Việt Nam khỏi “bảy tầng áp bức” (?), và lập ra hội “Phụ nữ Giải phóng” để... lùa hết phụ nữ vào một chuồng cho dễ quản lý.

Nay, 41 năm sau ngày bị CSVN “giải phóng”, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trở nên nhơ nhuốc hơn bao giờ ngược chiều dài lịch sử kể từ thời Pháp thuộc. Nói có sách, mách có chứng, xin trích một đọan ngắn trong bức thư dài của ông Nguyễn Tiến Dân ở Hà-nội (có ghi địa chỉ và số điện thoại đàng hoàng) gửi ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước CHXHCN VN:

Trong truyện ngắn Chí phèo, Nam Cao mở đầu: “Một sáng tinh sương, anh thả ống lươn nhặt được đứa bé mới đẻ xám ngắt, đùm trong cái váy đụp vứt ở lò gạch cũ”… Cuối cùng: “Thị nhìn nhanh xuống bụng mình, và thoáng chợt thấy một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua…”. Nam Cao giỏi ở chỗ tuy không trực tiếp nói ra, nhưng độc giả vẫn hiểu: “Đó là kiếp luân hồi. Chí Phèo này có chết đi, còn nhiều thằng Chí Phèo khác đã chuẩn bị mọc lên thay thế. Đời không thể thiếu vắng Chí Phèo”.

Với Tiếng hát sông Hương, ông Tố Hữu cũng dùng thủ pháp tương tự. Mở đầu, hiện thực của thời Thực dân, Phong kiến: “Trên dòng Hương Giang” là cô gái với bao nỗi nhục nhã, ê chề khi phải bán thân nuôi miệng... Cuối cùng (nguyên văn trong tác phẩm), ông ta có cách dòng (ngầm hiểu là đã bước sang trang, đã đến “ngày mai huy hoàng”), rồi cũng vẫn lại “Trên dòng Hương Giang”.

Riêng về mặt này, Tố Hữu xứng đáng là bậc tiên tri. “Ngày mai huy hoàng” đã đến, không còn cô gái kia trên sông, bởi cô đã quá già. Thay vào đó, hằng hà sa số những cô gái trẻ khác, mọc lên thay thế. Mại dâm đâu có mất đi trong chế độ CS. Thậm chí nó còn phát triển mạnh mẽ hơn (Khắp hang cùng ngõ hẻm, tìm đâu cũng có), tinh vi hơn (Vì nó biết cách ứng dụng cả công nghệ thông tin) và trắng trợn hơn, bởi nó ngang nhiên tiếp thị ở ngay ngã 3, ngã 4 đường phố, thậm chí hành nghề ngay tại gốc cây, sườn đồi. (ngưng trích)

Một đoạn khác, cũng từ bức thư dài của ông Nguyễn Tiến Dân:

Nhiều phụ nữ, trẻ em Việt ở độ tuổi vị thành niên, bị gạ gẫm, rồi bị đem bán vào các động mãi dâm ở Campuchia, ở Ma cau...? Nhiều phụ nữ Việt bị bắt cởi trần truồng, cho mấy thằng Đại Hàn, Trung Quốc, Đài Loan ngắm nhìn sờ mó để tuyển… “vợ”? Có phụ nữ Việt bị đặt trong lồng kính để bán đấu giá tại Mã Lai; bị rao bán công khai trên bích chương tại Đại Hàn? Nhiều phụ nữ lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan đã bị đánh đập, bị hành hạ, bị giết. Nhưng, tỉ lệ này còn thấp và ít rủi ro hơn so với lấy chồng Trung Quốc. Tình trạng lấy chồng Trung Quốc, sau đó bị ngược đãi, bị làm vợ tập thể, bị sang tay và vứt ra đường khá phổ biến. (ngưng trích)

Nhưng trên đây chỉ là một trong muôn ngàn những đớn đau, tủi nhục mà “Giải phóng” đã đem đến cho người phụ nữ VN trong 70 năm qua.

Với hai cuộc chiến tranh ác liệt do CSVN gây ra (1945-54 và 1955-75), hơn ba triệu quân lính hai bên được ước tính đã tử trận. Những người mẹ, người vợ của những người lính này là những con người bất hạnh và khổ đau trong suốt cuộc đời còn lại của họ. Không giấy bút nào tả hết được khổ đau của những người đàn bà trong chiến tranh, nhất là thứ “chiến tranh nhân dân”, không luật lệ, do cộng sản phát động. Nào dân công, văn công, nào “hộ l‎ý”, kể cả vai trò chiến đấu thường chỉ dành cho nam giới. Chiến tranh chấm dứt, người phụ nữ miền Nam VN còn chịu nhiều khổ đau hơn phụ nữ miền Bắc. Gia đình ly tán, đổi đời, kinh tế mới, chồng con đi “cải tạo”, vào tù, vượt biên bị cướp bóc, hãm hiếp...

Trong bài “Phụ nữ trong chiến tranh Đông Dương” được phổ biến trong dịp kỷ niệm 60 năm Hiệp định Genève, Nhà báo Đinh Từ Thức viết:

Hiệp Định Genève 60 năm trước, theo tên gọi của nó, nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, vãn hồi hoà bình. Sau một thập niên đánh nhau, khi hoà bình trở lại, đáng lẽ là lúc vợ chồng xum họp, gia đình chung tay tái tạo một cuộc sống mới, nhưng để thực hiện chủ trương của Đảng cho một mục tiêu trong tương lai, nhiều gia đình lại bắt đầu một cuộc chia ly mới.

Đại đa số trong nhóm trên tám trăm ngàn người di cư từ Bắc vào Nam, đi cả gia đình, đầy đủ vợ chồng con cái; chỉ một số rất nhỏ bị ly tán trong cảnh kẻ ở người đi. Ngược lại, đại đa số trong nhóm hơn một trăm ngàn người tập kết từ Nam ra Bắc chỉ đi một mình, để vợ con ở lại. Đợi chờ, lo lắng cho chồng con trong chín năm, đến khi tưởng là chiến tranh chấm dứt, lại li tán thêm hai chục năm nữa. Tất nhiên là nhiều cuộc phân ly đã không bao giờ tái hợp, hoặc gặp lại trong tình huống đắng cay. Ngay các nhà lãnh đạo chóp bu cũng không tránh được cảnh này, huống chi là cán bộ cấp dưới. Nếu Hiệp Định Genève được thi hành nghiêm chỉnh, bà Võ Văn Kiệt đâu phải hy sinh mạng sống của mình. Nếu ông Lê Duẩn không lộn lại miền Nam, chuẩn bị chiến tranh khi Hiệp Định chưa ráo mục, làm gì có cảnh gia đình chia rẽ, bà Bắc bà Nam chống nhau khi Đảng hô hào đoàn kết.

Ấy là chưa kể tới số phận của hàng ngàn thiếu nữ tại các địa điểm tập kết chót ở Bình Định và Cà Mau. Đảng đã lợi dụng lòng yêu nước để tuyên truyền, thúc đẩy họ trao thân gửi phận vào phút chót cho các thanh niên tập kết. Đó là những đám cưới tập thể, hối hả, sống với nhau một tuần hay vài ngày, trước khi chàng lên tầu ra đi, hẹn hai năm tái ngộ. Kết quả là có những đứa trẻ ra đời bị coi như con hoang, và những thiếu nữ trong tình trạng không biết phải tự xếp mình vào thành phần có chồng hay chưa? (ngưng trích)

Trong bài viết, ông Đinh Từ Thức có nhắc đến một cuốn sách của Ký giả Bernard Fall viết về vai trò của phụ nữ trong chiến tranh Đông Dương và kể lại như sau:

Bernard Fall ghi rằng, trong những tài liệu ông thu thập được về chiến tranh Đông Dương, có một tờ truyền đơn của Việt Minh, “tố cáo 60 lính Pháp đã hiếp 700 phụ nữ trong một buổi chiều”. Ông đã làm một con tính, thấy rằng, đổ đồng, mỗi lính Tây hiếp 11 phụ nữ trong một thời gian ngắn, cho rằng đó là lời khen ngợi của kẻ thù dành cho sự cường tráng của Pháp! (Such a compliment paid to French virility by the enemy!). Quân Pháp tại Đông Dương có lúc lên tới hơn một trăm ngàn người, và cuộc chiến không chỉ trong một buổi chiều, mà kéo dài chín năm. Có bao nhiêu phụ nữ đã bị hiếp? “Đảng lãnh đạo quang minh” đã dựng tượng cho người này, tổ chức kỷ niệm sinh nhật cho người kia, phong danh hiệu anh hùng cho người khác, nhưng đã làm gì cho những nạn nhân bị hiếp này? Đại Hàn không làm tượng Bác Lý Thừa Vãn, hay Tướng Phác Chính Hy, mà dựng tượng Comfort Girls. Phải chăng đó là lý do họ bỏ xa Việt Nam? (ngưng trích)

“Comfort Girls” (gái giải sầu) là tên để gọi những phụ nữ Hàn quốc bị quân chiếm đóng Nhật bắt đi làm “hộ lý” trong Thế chiến II. Sau chiến tranh, để lên án Nhật, Nam Hàn đã dựng tượng “Comfort Girls” ngay trước tòa đại sứ Nhật ở Seoul.

Cộng sản VN thì khác, sau chiến tranh, đã chẳng những “vô cảm” trước sự đau nhục tận cùng của những phụ nữ bị quân viễn chinh Pháp hãm hiếp mà họ còn bị “nhà văn” viết ký sự tả chân chế giễu như vụ “Mụ Cà”, thuộc dân quân du kích (do Cu Miễn làm đội trưởng) bị lính Tây hiếp, được ông Đinh Từ Thức trích dẫn như sau:

Cuối năm 1953 Pháp từ Ba Đồn càn lên làng Đông, dân làng bỏ chạy cả, chỉ còn đội dân quân vẫn ở lại giữ làng. Mụ Cà mải bắn địch một hướng, không biết Pháp vào làng theo hướng khác, anh em du kích bỏ chạy cả mụ vẫn không biết, bị một thằng Pháp xông đến đè cổ mụ trên cát, hiếp. Mụ Cà chống cự quyết liệt, liên tục hô đả đảo đế quốc Pháp, đả đảo đế quốc Pháp. Thằng Pháp khoẻ hơn, đè riết không cho mụ động cựa. Mụ vẫn không sợ, miệng vẫn hô vang đả đảo đế quốc Pháp. Lúc đầu mụ còn hô to, đầy đủ cả câu đả đảo đế quốc Pháp, sau nhỏ dần hụt hơi dần, đã đảo đế quốc… rồi đả đảo đế… rồi đả đảo… Cuối cùng chỉ còn mỗi đả ả ả ả…Xong om. Mọi người cười, vỗ tay ầm ầm, nói ua chầu chầu hay hè hay hè. Cu Miễn tức, đập bàn chỉ tay mụ Cà quát phản động, bắt mụ ni trói lại cho tui. Mọi người ngơ ngác không hiểu sao. Cu Miễn nói, mụ ni hợp tác hủ hoá với giặc Pháp, rứa mà các đồng chí không hiểu, còn vỗ tay hoan hô. Mất lập trường rồi các đồng chí ơi! Mụ Cà nói đồng chí Cu Miễn nói rứa oan tui. Cu Miễn nói mụ Cà kia, tui không đồng chí với mụ. Mọi người nói ua chầu chầu đồng chí cu Miễn nóng quá. Cu Miễn hô cả trung đội đứng dậy, nghiêm! Tôi quyết định đuổi mụ Cà ra khỏi trung đội dân quân. Từ nay không được ai kêu mụ Cà là đồng chí, rõ chưa. Cả trung đội đập chân ưỡn ngực hô rõ. (ngưng trích)

Đúng là cười ra nước mắt. Nước mắt khóc thương cho những phụ nữ Việt Nam bất hạnh bị “bác đảng”... giải phóng.

Ký Thiệt












Free Web Template Provided by A Free Web Template.com